Trường Đại học Lạc Hồng toạ lạc ngay tại phường Bửu Long – nơi có văn miếu Trấn Biên biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương nam và khu du lịch Bửu Long non nước hữu tình – nên sinh viên của trường được thiên nhiên ưu đãi những địa chỉ vui chơi dã ngoại tuyệt vời.
Văn miếu Trấn Biên
Nếu như đất Bắc có Văn miếu Quốc Tử Giám làm rạng danh, thì phương Nam có Văn miếu Trấn Biên nêu cao đất học, khí phách con người phương Nam. Văn Miếu Trấn Biên sừng sững uy nghi tọa lạc tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai.
Gần đây, Văn Miếu Trấn Biên đã được xây dựng lại trên nền đất cũ. Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly mầu xanh ngọc bằng gốm tráng men, những lầu bia uy nghi tráng lệ. Từ cổng vào lần lượt là nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Bia Tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với dòng chữ lớn đầu tiên "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Một bên là núi Long Ẩn và núi Bửu Long; bên ruộng đồng bát ngát cò bay chấp chới với thấp thoáng mái nhà, vườn cây quê hương; bên kia là dòng Đồng Nai hùng vĩ ngày đêm chảy mãi, pha vào những nhánh sông nhỏ mềm mại tạo nét tranh thơ. Thanh long Bạch hổ, lại là một vùng đất cao ráo, hội tụ phong thủy, công trình với diện tích 20.000m2 đã tạo nên một kiến trúc kỳ quan mang đậm nét truyền thống văn hóa, giáo dục, đấu tranh ngàn đời hào hùng của dân tộc.
Tại Văn Miếu Trấn Biên thường tổ chức các lễ viếng các bậc tiền nhân, các lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ...
Hình ảnh đội tuyển Robocon trường Đại học Lạc Hồng báo công tại Văn miếu Trấn Biên
Đến với di tích này, các bạn sinh viên có cơ hội được tìm hiểu giá trị lịch sử và truyền thống hiếu học của mảnh đất Nam bộ hào hùng. Bên cạnh đó, với không gian khoáng đạt, mát mẻ, khung cảnh hữu tình, Văn miếu Trấn Biên cũng là điểm đến không thể thiếu cho các buổi học nhóm, dã ngoại hay hay đơn giản là nơi ngắm cảnh, thư giãn cho các bạn sinh viên.
Khu du lịch Bửu Long
Đây là khu du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích những cảnh đẹp tự nhiên và kỳ vĩ.
Khu du lịch Bửu Long được xây dựng quanh một hồ nước nhân tạo do khai thác đá, đó là hồ Long Ẩn. Hồ rộng hàng chục ha. Có thể nói hồ Long Ẩn là một bức tranh thu nhỏ của Vịnh Hạ Long. Vô số vách đá soi bóng trên mặt nước xanh tạo cho hồ vẻ đẹp hấp dẫn trong một cảnh sắc thiên nhiên mỹ lệ: núi cao, hồ rộng, hài hòa với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại.
Đến Bửu Long, du khách sẽ lần lên ốc đảo cao 35 m (105 ft) nằm giữa lòng hồ, nơi quần tụ của hàng chục loài chim quí hiếm, du ngoạn trên mặt hồ bằng tàu thủy, tham quan con rồng đá phun nước khổng lồ, các tiểu cảnh nàng tiên cá, nhà rông... của công viên khủng long khánh thành từ tháng 2 năm 1995.
Cạnh hồ là hai ngọn núi thấp, trên núi Bửu Long có ngôi chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm thấp thoáng sau cây bồ đề lớn; có hang đá Long Sơn Thạch Động hình dạng giống hàm ếch với nhiều nhũ đá rũ xuống đầy vẻ thuyền bí. Sau khi tham quan hồ, leo núi vãng cảnh chùa, vui thú với các trò chơi trên mặt nước, du khách còn có thể kết hợp về thăm làng bưởi Tân Triều nổi tiếng, tham quan nghề đục đá truyền thống mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17 thuộc miền Lưỡng Quảng, Trung Hoa của một cộng đồng nhỏ người Hoa sống gần hồ.
Khu du lịch Bửu Long nằm gần các cơ sở của trường Đại học Lạc Hồng nên những bạn sinh viên yêu thích thiên nhiên có thể đến đây để ngắm cảnh, ôn bài hoặc gặp gỡ bạn bè trong những dịp cuối tuần. Đây cũng là địa điểm phù hợp cho các buổi sinh hoạt dã ngoại, tập huấn Đoàn Hội... cho những sinh viên yêu thích các hoạt động ngoài trời.
Cù Lao Phố
Là hòn đảo phù sa nổi lên giữa sông Đồng Nai như một cái chuông, Cù lao phố xưa có tên là Nông Nại đại phố, nay là xã Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà tỉnh Đồng Nai. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, Cù lao phố đang là đối tượng của các nhà nghiên cứu khảo cổ học về cá giá trị văn hoá, lịch sử và du lịch sinh thái của Đồng Nai.
Cầu Ghềnh - Cù lao phố
Cù lao phố đứng đầu về mật độ đình chùa của vùng Đông Nam bộ với 11 đình, chùa, 3 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và quần thể mộ cổ hợp nhất. Bậc tiền hiền Nguyễn Hữu Cảnh đã chọn Cù lao phố để thiết lập thủ đô hành chính nhằm làm bản doanh mở mang bờ cõi phương nam. Cù Lao Phố hiện còn lưu nhiều dấu tích về thời hưng thịnh với những công trình mang đậm tín ngưỡng như chùa Đại Giác, đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu Quan Đế, chùa Thủ Huồng...
Chùa Đại Giác - Cù lao phố được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia
Với hệ thống những công trình tín ngưỡng tôn giáo trên mảnh đất ghi đậm dấu ấn lịch sử văn hóa, Cù Lao Phố là điểm du khảo lý thú cho những bạn yêu thích thiên nhiên, nghệ thuật.
Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền
Cách thành phố Biên Hoà không xa, khu du lịch Thác Giang Điền cũng trở thành một điểm đến thú vị cho các nhóm bạn sinh viên tổ chức vui chơi vào dịp cuối tuần hay lễ tết…
Với cảnh quan khoáng đạt, cây xanh bóng mát, cỏ hoa đua nhau khoe sắc và khí hậu dịu mát trong lành, Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền được nhiều người ví như Đà Lạt của Miền Đông. Các bạn có thể vãn cảnh trên những tuyến đường trải đá, đường mòn được trồng và mang tên nhiều loài hoa, loài cây; cũng như tìm giây phút riêng tư duới tán cây, trên thảm cỏ mịn xanh rờn của các cù lao, các khu thư giãn, hồ nuớc.... Cảm giác đắm mình dưới thác và được những giọt nước massage, vỗ về sẽ mang lại cho các bạn sự thư giãn, sảng khoái tuyệt vời.
Các công trình (khách sạn, nhà hàng, kiốt, chòi, dịch vụ) và hoa viên của Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền được thiết kế và xây dựng hài hòa với cảnh quan sinh thái. Các dịch vụ du lịch phong phú và thích hợp với mọi giới, mọi lứa tuổi gồm: tắm thác - tắm suối, các dịch vụ thuyền trên hồ, xe đạp tình yêu, taxi du lịch và xe lửa vãn cảnh, ăn uống giải khát, lều trại, câu cá, cắm trại, lửa trại, trò chơi thiếu nhi và trò chơi tập thể, karaoke, bida, truợt patin, câu lạc bộ hát với nhau, tổ chức đám cưới, đám tiệc, tham quan, đặc biệt là khu bungalow và khách sạn đầy đủ tiện nghi, ấn tượng,… Ngoài ra, khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền còn có một khu giành riêng cho cắm trại với khâu tổ chức và không gian đặc trưng cho hoạt động này.
Với diện tích 67ha và hệ thống các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền là một sự lựa chọn thú vị cho các bạn sinh viên Lạc Hồng khi có nhu cầu vui chơi, dã ngoại.
Khu du lịch làng bưởi Tân Triều
Làng bưởi Tân Triều thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Biên Hòa chừng 3 km. Làng bưởi ngày nay vẫn giữ được nét thanh bình của làng quê yên ả với những vườn bưởi xanh xum xuê quả, vườn tiếp vườn, tới đầu làng đã nghe hương bưởi thơm thoang thoảng.
Tân Triều là ngôi làng cổ xưa nhất ở Đồng Nai, nằm ven sông được bao bọc bởi kênh rạch tạo thành cù lao biệt lập, chỉ có một con đường duy nhất vào làng. Muốn đến làng bưởi, từ Biên Hòa du khách có thể đi bằng đường sông hoặc theo quốc lộ 24 là tới nơi, dân địa phương sẽ hướng dẫn cho bạn đi tham quan khắp làng, thưởng thức những quả bưởi chín mọng và món gỏi bưởi, rượu bưởi rất riêng chỉ có ở Tân Triều.
Cây bưởi Tân Triều sau bao năm thăng trầm đã lấy lại “tiếng thơm” của mình khi người dân Tân Triều mạnh dạn xóa vườn tạp để phục hồi lại cây bưởi vào những năm 1985 trở đi. Bưởi Tân Triều có nhiều loại, bưởi Thanh nước nhiều, trái rất sai, mỗi mùa một cây có thể cho từ bốn đến năm trăm trái. Bưởi Xiêm, bưởi Long có vị ngọt nhưng trái nhỏ, ngon nhất là bưởi Đường lá cam và bưởi Đường núm. Bưởi ổi trái nhỏ nhưng có đặc tính lạ, có thể để dành hơn nửa năm, da quắt lại như trái dâu khô nhưng bóc ăn ngọt lịm. Ngoài ra còn hơn hai mươi loại khác nhau như bưởi Xiêm, bưởi Chua, bưởi bà Vân, bưởi Hè, bưởi Long...
Ở Tân Triều, nhiều người biết về ông Năm Huệ, chủ nhân Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi, ông là người đầu tiên mở loại hình du lịch sinh thái nơi làng quê yên tĩnh ven sông Đồng Nai, cùng với những món đặc sản từ bưởi và những món ăn miệt vườn dậy hương đồng nội. Xứ bưởi Tân Triều có nhiều loại bưởi, mà loại nào cũng thơm ngon nhờ đất phù sa ven sông. Ông Năm chọn bưởi đường da xanh để làm gỏi. Bưởi phải là giống bưởi đường trong vườn vừa chín tới trên cành, mụn the ngoài vỏ bưởi nở hết mới hái xuống. Ai đã từng nếm qua món gỏi bưởi sẽ dễ dàng nhận ra món gỏi bưởi ở Tân Triều có công thức và mùi vị rất riêng. Gỏi bưởi ở những nơi khác trộn với khô mực xé sợi nhỏ. Còn ở Tân Triều thì trộn tép bưởi với tôm sông. Một chút chua, một chút the, một chút ngọt thanh. Tất cả quyện với cái dòn ngọt lịm của tôm bắt ở sông, dậy thơm cùng với ớt, hành tây, ngò, đậu phộng. Muốn dậy mùi vị gỏi hơn nữa thì xúc bằng một miếng bánh tráng rắc tôm đỏ giòn rụm. Và rồi khi ra về, không ít người thành phố không quên mang theo về một ít nước bưởi ép nguyên chất ngọt lịm, ít trái bưởi đường da xanh làm món quà quê cho người ở nhà. Một điều riêng có của bưởi đường da xanh Tân Triều mà chưa nhiều người biết là để dành được lâu cả tháng, để càng lâu vị bưởi càng ngọt đậm như đường.
Thăm làng bưởi Tân Triều không chỉ gợi cho người ta một chút hoài niệm về vùng đất Đồng Nai xưa, nơi có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, thưởng thức những món ăn dân dã miệt vườn mà còn cảm phục người nông dân bám trụ với đất, với nghề tạo nên thương hiệu bưởi Tân Triều hôm nay không chỉ vang bóng trong nước mà còn “xuất ngoại” sang tận Hà Lan, Đức...
Làng Bưởi Tân Triều