Tiêu điểm

Tuyển sinh ĐH, CĐ Năm 2007: Hơn 70% chọn khối thi phù hợp

Nhằm giúp học sinh chọn trường dự thi phù hợp với sở thích và năng lực, ĐHQG TP.HCM đã cho vận hành website hướng nghiệp. Phân tích kết quả điều tra của trên 7.000 học sinh sử dụng website hướng nghiệp vào tháng 3-2007 cho thấy một số kết quả đáng lưu ý.

Kinh doanh và quản lý được chọn nhiều nhất

Sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh chọn con đường vào ĐH. Trong đó học ĐH chiếm tỉ lệ 70,1%, CĐ 22,0%, THCN 7,9%.

Khối thi được lựa chọn xếp từ cao đến thấp là: khối A (54,0%), khối D1 (22,2%), khối B (14,1%), khối C (5,4%). Số liệu này cũng không khác so với kết quả thu được của năm 2006: khối A (55,1%), khối D1 (19,8%), khối B (13,4%), khối C (7,5%).

Số học sinh chọn khối thi phù hợp với kết quả học tập tương ứng của khối đó ở THPT chiếm tỉ lệ 70,1%. Trong đó, mức độ chọn phù hợp ở khối A là cao nhất (38,4%), kế là khối B (14,0%), khối D (12,2%), khối C (5,5%).

Sáu lĩnh vực được học sinh của trường quan tâm nhiều nhất là: kinh doanh và quản lý (25,0%), máy tính (10,5%), khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân (9,4%), công nghệ kỹ thuật (5,3%), khoa học xã hội và hành vi (5,1%), khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (4,4%). Đây cũng là sáu lĩnh vực được ưa thích nhất vào năm 2006. Các ngành được quan tâm nhiều là quản trị kinh doanh (19,2%), điện - điện tử (11,5%), du lịch (8,1%), kế toán - tài chính (6,9%), luật (6,7%), sư phạm 3,8%. Còn riêng số học sinh có ngành lựa chọn phù hợp với sở thích nổi trội là 58,6%.

Như vậy, có thể nói thông tin tuyển sinh qua các phương tiện truyền thông, qua hoạt động của các nhà tư vấn đã giúp học sinh có cơ sở chọn ngành học đúng với sở thích và thực lực của mình hơn.

Phải lập kế hoạch hành động

Để chọn cho mình bước đi thích hợp sau khi tốt nghiệp THPT, các bạn HS nên làm các bước sau: Phải xác định bạn muốn làm gì sau khi tốt nghiệp THPT. Tìm hiểu thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực, về các ngành trọng điểm. Tìm hiểu thông tin về trường: ngành gì, học gì và ra trường làm được việc gì?

Bạn phải hiểu chính bản thân mình bằng cách trả lời các câu hỏi như: Tại sao bạn quan tâm đến nghề nào đó? Điều gì là quan trọng nhất trong việc chọn nghề của mình? Lý tưởng nghề nghiệp của bạn là gì? Bạn dự định sẽ làm gì để theo đuổi nghề mình yêu thích? Thử xác định xem sở thích nghề nghiệp của bạn là gì? Phù hợp với những ngành nghề nào? Xác định năng lực học tập để xem bạn có cạnh tranh được với các thí sinh khác hay không. Tư vấn chuyên sâu (nếu cần).

Việc xác định năng lực học tập có thể dựa vào kết quả học tập bậc THPT hoặc thử giải đề thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan nếu kết quả học tập còn thấp so với điểm chuẩn năm trước, bởi nếu đã xác định được mục tiêu cũng như sở thích, năng lực học tập của mình rồi, điều quan trọng là bạn phải lập kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu đã đặt ra.

TS LÊ THỊ THANH MAI (Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM)

TTO

tuyển sinh, phù hợp


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        31,321,916       2/799