Vừa qua TS. Nguyễn Đình Dư – Khoa Kỹ Thuật Công Trình đã vinh dự hoàn thành báo cáo tại "Hội thảo khoa học về Tính toán Kết cấu và Cơ sinh học” – “Workshop on Structural Analysis and Biomechanics – WoSAB”. Chương trình đã diễn ra trong 2 ngày 17- 18/10/2024 tại đại học Duy Tân - Đà Nẵng. Đây là hội thảo đầu tiên tại Việt Nam cho lĩnh vực Cơ y sinh, một hướng đi riêng trong việc ứng dụng Cơ học phục vụ cuộc sống mà không kém phần quan trọng.
Hình 1. Các nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo
“Hội thảo khoa học về Tính toán Kết cấu và Cơ sinh học” là hội thảo đầu tiên được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Cơ học tính toán thuộc Đại học Duy Tân (DTRICE). Hội thảo tập trung vào hai vấn đề chính bao gồm Tính toán kết cấu và Cơ y sinh. Các vấn đề đáng lưu tâm như ứng dụng ANN (Thuật toán mạng thần kinh nhân tạo) vào chẩn đoán sức khỏe kết cấu bằng các thí nghiệm không phá hủy. Một vấn đề liên quan và tương đương trong Y sinh là các chẩn đoán không xâm lấn bằng thuật toán ANN. Tiếp đến là các mô hình phá hoại trong kết cấu, với vật liệu bán giòn như bê tông, mô hình phá hoại cục bộ và không cục bố do các nguyên nhân như nhiệt, tải tĩnh và tải động cũng được trình bày trong Hội nghị. Đặc biệt, mô hình phá hoại áp dụng phân tích phá vỡ động mạch chủ, phá vỡ cục máu đông trong các mạch máu với biến dạng lớn và vật liệu nhiều pha cũng được trình bày bởi nhà nghiên cứu đến từ Đại học Chicago (Mỹ). Bên cạnh đó, Hội thảo là cơ hội tốt để giao lưu và học hỏi, đặc biệt là khẳng định khả năng nghiên cứu khoa học của Đại Học Lạc Hồng mang tầm quốc tế, khả năng liên kết và thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh ở nhiều lĩnh vực.
Đại diện trường Đại học Lạc Hồng, TS. Nguyễn Đình Dư báo cáo bài báo “ Thermal-mechanical local damage model for quasi-brittle fracture with polygonal elements and new numerical integration”. Nội dung bài báo đi sâu vào nghiên cứu mô hình phá hoại cục bộ dựa trên tiêu chí biện dạng tương đương của Mazar’s cửa vật liệu bê tông dưới tác dụng của cơ nhiệt bằng phương pháp phần tử hữu hạn đa giác và kỹ thuật tích phân mới. Bài báo nhận được nhiều sự quan tâm của đồng nghiệp tại hội thảo và hướng đến nghiên cứu phức tạp hơn trong tương lai khi có xét đến sự làm việc chung của cốt thép.
Hình 2. Tiến sĩ Nguyễn Đình Dư báo cáo tại Hội thảo
Hội thảo WoSAB đã một lần nữa khẳng định rằng sự hợp tác là yếu tố then chốt để thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Khi các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau cùng chung tay, chúng ta không chỉ đa dạng hóa kiến thức mà còn tăng cường hiệu quả nghiên cứu, tạo ra những đột phá mới. Qua đó, Đại học Lạc Hồng cần mở rộng mối liên kết giữa các thành viên, các nhóm nghiên cứu và các đơn vị trong toàn trường. Bằng cách thành lập các nhóm nghiên cứu liên ngành, tổ chức các hội thảo thường xuyên và xây dựng mạng lưới hợp tác rộng rãi, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết những vấn đề thực tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước và nâng cao vị thế của nhà trường trên trường quốc tế. Vì khoa học là không giới hạn về con người, về lĩnh vực nghiên cứu.